fbpx

Nghệ An hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỷ USD năm 2023

01-03-2023

Năm 2023, tỉnh Nghệ An đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 2,87 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 2,5 tỷ USD.

Chiều 24/2, tỉnh Nghệ An tổ “Hội nghị triển khai kế hoạch xuất khẩu 2023” dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh.

Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu 2023 đạt 2,87 tỷ USD

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Cao Minh Tú- Phó giám đốc sở Công Thương Nghệ An cho biết, bước vào năm 2022, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, nhiều quốc gia đã mạnh dạn mở cửa, nới lỏng các chính sách tiền tệ, song, do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine cùng với những hậu quả của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo trước đó. Lạm phát diễn ra ở nhiều nước, đặc biệt các nước đối tác quan trọng của Việt Nam tăng cao, giá dầu và một số hàng hóa quan trọng biến động mạnh ảnh hưởng đến sự phát phát triển kinh tế xã hội nói chung và hoạt động xuất khẩu hàng hóa nói riêng.

Hội nghị triển khai kế hoạch xuất khẩu 2023

“Đóng góp vào các thành tích chung đó, ngành Công Thương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh Nghệ An đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được tỉnh Nghệ An giao; chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp với nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả và đã đạt nhiều kết quả tích cực, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được tỉnh giao”, ông Cao Minh Tú chia sẻ.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Nghệ An đạt 2,54 tỷ USD, tăng 4,56% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2,19 tỷ USD, tăng 3,6%. Xếp thứ 28/63 tỉnh thành trên cả nước và thứ 2 khu vực Bắc Trung bộ.

Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá so với năm 2021, như dệt may đạt 457,8 triệu USD, tăng 11,5%; Linh kiện điện thoại đạt 390,6 triệu USD, tăng 16,3%; Dăm gỗ đạt 303 triệu USD, tăng 66,1%….Đáng chú ý, tỷ lệ hàng hoá xuất khẩu qua chế biến tiếp tục tăng, nhất là hàng lâm sản, khoáng sản, vật liệu xây dựng, thuỷ sản chế biến và một số hàng nông sản chế biến như chè khô, nước hoa quả.

Hiện, Nghệ An có trên 360 doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đi trên 133 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường tăng mạnh như Trung Quốc đạt 580,8 triệu USD, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, tăng 15,1%; Hàn Quốc đạt 321,8 triệu USD, tăng 30,6%; Hoa Kỳ 233,4 triệu USD, tăng 18,6%, Đài Loan 164,7 triệu USD tăng 27,2%; Lào 54,1 triệu USD, tăng 42,9%; Ấn Độ 43,4 triệu USD, tăng 43%; Singapore 39 triệu USD, tăng 34,6%.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đang liên kết để vượt qua khó khăn hiện nay.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tìm được thị trường mới như: Burkina Faso, Sao Tome và Principe, Costa Rica, Guinea Xích đạo, Niger, Djibouti, Palau, New Caledonia, Armenia, Comoros, Vanuatu, Cộng hòa Congo, Palau…. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 1.350 tỷ đồng, tăng 3,8% so với dự toán trình HĐND tỉnh điều chỉnh và bằng 81,7% so với thực hiện năm 2021.

Nổi bật, năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng trong sự phát triển ngành Công Thương trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tăng trưởng xuất khẩu của nhiều nền kinh tế sụt giảm.

Năm 2023, ngành Công Thương tiếp tục nỗ lực thúc đẩy phát triển xuất khẩu, mở rộng thị trường. Phấn đấu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 2,87 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 2,5 tỷ USD.

Còn nhiều thách thức

Tại hội nghị, nhiều vướng mắc đã được các doanh nghiệp đưa ra nhất là nhóm hàng nông sản, thủy sản. Cụ thể, đối với thị trường Trung Quốc, nước này đang ngày càng tăng cường công tác thực thi pháp luật, các chính sách thương mại biên giới theo hướng tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định đối với hoạt động nhập khẩu nông thủy sản trên tuyến biên giới đất liền, thông qua các biện pháp như truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Theo phản ánh của các DN, hầu hết các chi phí phục vụ sản xuất đều tăng nhưng giá bán hàng khó tăng do cạnh tranh thị trường với các đơn vị cùng ngành trong nước và nước ngoài.

Một số mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc (như tinh bột sắn, hoa quả tươi) thường xuyên gặp tình trạng tắc nghẽn khu vực cửa khẩu (cửa khẩu Kim Thành-Lào Cai, Móng Cái-Quảng Ninh…) gây tình trạng giao nhận hàng bị chậm trễ…Hay nhóm khoáng sản, mặt hàng bột đá vôi trắng xuất khẩu chủ yếu sang các nước như Ấn Độ. Hiện nay, mặt hàng này đang chịu sự cạnh tranh rất gay gắt từ các đối thủ nước ngoài, đặc biệt là Malaysia do giá từ các nước này rẻ hơn nhiều.

Cũng theo phản ánh của các doanh nghiệp, hầu hết các chi phí phục vụ sản xuất đều tăng nhưng giá bán hàng khó tăng do cạnh tranh thị trường với các đơn vị cùng ngành trong nước và nước ngoài…

Ngoài ra, đối với nhóm hàng công nghiệp chế biến cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu lao động sau dịch Covid. Cụ thể, đối với mặt hàng dệt may, muốn tận dụng lợi ích về cắt giảm thuế quan từ các FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA, doanh nghiệp phải chứng minh được nguồn gốc sản xuất tại Việt Nam hoặc các nước nội khối trong hiệp định từ khâu sợi trở đi đối với CPTPP, từ vải trở đi với EVFTA.

Từ nửa cuối năm 2022, lạm phát tăng và việc thắt chặt chi tiêu tại một số thị trường xuất khẩu quan trọng khiến sức mua hàng dệt may có xu hướng giảm (từ Hoa Kỳ, EU), nhiều doanh nghiệp dệt may bị sụt giảm đơn hàng nghiêm trọng. Đơn cử như mặt hàng linh kiện điện tử gặp khó khăn do khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu sang một số nước như Ấn Độ, Châu Âu tương đối khó.

Về những vấn đề này – ông Phạm Văn Hoá Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An chia sẻ, những khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu trong cuối năm 2022 dự báo chưa thể khắc phục ngay và sẽ kéo dài sang đầu năm 2023. Nhu cầu thế giới giảm sút rõ rệt do, kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu trên thế giới; Tiếp đến giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, theo đó giá thành sản xuất hàng hoá ở mức cao; Lạm phát tăng cao, tồn kho cao, ảnh hưởng đến cầu nhập khẩu hàng hoá của người tiêu dùng.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, sự sụt giảm của nhu cầu các nước trên thế giới là khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Nghệ An trong năm 2023.

Mặc dù vậy, ông Phạm Văn Hoá cho rằng, vẫn có nhiều yếu tố tích cực như các Hiệp định thương mại tiếp tục được thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan; thu hút đầu tư từ các nước như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu; các doanh nghiệp Nghệ An tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các Hiệp định FTA.

Kết luận hội nghị, ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, để đạt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 2,87 tỷ USD, ngành Công Thương cần phối hợp để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình tham gia xuất khẩu. Cần căn cứ định hướng phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu của cả nước đến năm 2030 và định hướng phát triển thị trường tại Đề án Phát triển xuất khẩu của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện nay tỉnh Nghệ An đang có nhiều hoạt động đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời, đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương và các doanh nghiệp liên quan cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn hàng xuất khẩu; Rà soát Quy hoạch vùng nguyên liệu, vùng sản xuất chế biến nông nghiệp cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tích cực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Nghệ An, trong đó chú trọng doanh nghiệp FDI trong sản xuất các mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất, gia tăng hàm lượng chế biến sâu và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông sản của tỉnh. Thường xuyên quan tâm hoạt động xúc tiến xuất khẩu; Cải thiện nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ logistics…

Tin mới nhất

Tin Liên quan