fbpx

Tận dụng hiệu quả các FTA: “Chìa khóa” cho xuất khẩu hàng hóa năm 2023

13-03-2023

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) được kỳ vọng sẽ là chìa khóa để hoạt động xuất khẩu duy trì tăng trưởng trong năm 2023.

Các FTA đã được tận dụng hiệu quả

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài đã khiến kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng sụt giảm, trong đó có thủy sản. Song ngay khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc, các doanh nghiệp đã tích cực quay lại guồng sản xuất và xuất khẩu, đồng thời tận dụng tốt nhất các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm gia tăng kim ngạch.

Xuất khẩu thủy sản dược kỳ vọng tăng trưởng trong năm nay.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), bước sang tháng 2/2023, xuất khẩu thủy sản hồi phục trở lại. Theo đó, ước tính tổng giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 2/2023 đạt khoảng 662 triệu USD, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm 2022.

VASEP nhận định, xu hướng xuất khẩu trong tháng 2/2023 có dấu hiệu khả quan hơn so với tháng trước. Thời gian tới, nhu cầu của các thị trường đang có xu hướng dần hồi phục, nhất là thị trường Trung Quốc và nhiều thị trường nhỏ khác. Nguồn nguyên liệu thủy sản (tôm, cá tra) cũng sẽ tăng trong tháng tiếp theo, do vậy xuất khẩu trong tháng 3 và 4 sẽ tăng dần trở lại so với những tháng đầu năm.

Phân tích về những thuận lợi và thách thức của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong năm 2023, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) chỉ rõ, sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Về phía cung, tác động từ mở cửa nền kinh tế sau kiểm soát dịch Covid-19 của Trung Quốc có thể làm hàng hóa Việt Nam phải gặp cạnh tranh nhiều hơn tại các thị trường xuất khẩu.

“Tuy nhiên, cũng có nhiều yếu tố tích cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu như các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan; các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các FTA…”, ông Phan Văn Chinh nêu.

Có thể thấy, thực tế, năm 2022, xung đột Nga-Ukraine đã tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tăng khiến nhu cầu tiêu dùng giảm tại các quốc gia trên thế giới, trong đó có khu vực châu Âu – châu Mỹ.

Mặc dù vậy, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác thị trường châu Âu – châu Mỹ như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA, Hiệp định thương mại Việt Nam – Chile, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA)… tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam.

Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP năm 2022 đã tăng đến hơn 30% so với năm 2021. Riêng mặt hàng dệt may xuất khẩu sang Canada tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ.

Bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu sang 4 thị trường khu vực châu Mỹ trong CPTPP (gồm Canada, Mexico, Peru, Chile) đã chứng kiến sự tăng trưởng rất mạnh. Trong đó, Việt Nam mới chỉ có FTA song phương với Chile (từ năm 2014). Nhờ vào lợi thế ưu đãi thuế quan từ hiệp định CPTPP đã đem lại nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt khai thác xuất khẩu sang các thị trường mới này.

Thêm một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao nữa là Hiệp thương mại thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA). Qua gần 2 năm có hiệu lực (Hiệp định được áp dụng tạm thời kể từ đầu năm 2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021), mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid-19, song kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh vẫn đạt tăng trưởng cao, ở mức 2 chữ số. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Anh tăng 15,4%. Các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng rất tốt, cho giá trị cao như cà phê, hạt tiêu, cao-su, rau quả, may mặc, giày dép… và đã có những mặt hàng tăng trưởng đến gần 100%.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam cho biết, thực tế, ở các thị trường có FTA như thị trường Anh, việc hoãn, hủy đơn hàng ít bị ảnh hưởng hơn, kể cả trong bối cảnh lạm phát mạnh như thời gian qua. Cùng với đó là cơ hội nhập khẩu nguyên phụ liệu có chất lượng cho sản xuất hàng xuất khẩu từ các thị trường FTA mới.

Thực tế, trong 2 tháng đầu năm, lực đẩy từ các FTA cũng đã giúp kim ngạch xuất khẩu có nhiều điểm sáng. Trong đó, trong tháng 2, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2023 ước đạt 25,88 tỷ USD, tăng 9,8% so với tháng trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,44 tỷ USD.

Xem xét tiếp tục đàm phán các FTA mới

Bên cạnh việc tận dụng các FTA đã có hiệu lực, năm 2023, Bộ Công thương đang tiếp tục đẩy mạnh đàm phán các hiệp định thương mại tự do mới để mở cửa các thị trường tiềm năng. Đơn cử như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Israel đã được khởi động đàm phán từ tháng 12/2015 cho đến nay.

Xuất nhập khẩu dự báo gặp khó trong năm 2023 và các FTA sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp duy trì tăng trưởng.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết: “Chúng tôi cũng đã thúc đẩy để tiến tới gần hơn với quá trình kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Israel cũng như tạo một bước để có thể thâm nhập thị trường Trung Đông thông qua cửa ngõ UAE”.

Có thể thấy thị trường mới đang là mảnh đất tiềm năng để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội. Đơn cử như tại thị trường châu Phi, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Algeria đạt hơn 141 triệu USD, giảm 7,8% so với năm 2021. Những mặt hàng xuất khẩu chính là cà-phê, hóa chất, hàng thủy sản, kim loại và sản phẩm, hạt tiêu. Đáng chú ý, năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu được mặt hàng gạo trở lại, đạt kim ngạch hơn 218.000 USD sau khi năm 2021 không thâm nhập được thị trường này.

Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng khuyến cáo, với thị trường châu Á, châu Phi, để tận dụng tốt các FTA thì doanh nghiệp phải bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào cho hàng hóa xuất khẩu. Cùng với đó, phải đẩy mạnh xuất khẩu sang một số thị trường ngách, thị trường tiềm năng như Bangladesh, Pakistan và coi các thị trường này là “bàn đạp” để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ – thị trường có sức mua lớn của hơn 1,4 tỷ dân… Hoặc thị trường châu Phi với nhu cầu nhập khẩu hàng hóa lên đến 600 tỷ USD/năm nhưng Việt Nam mới khai thác được 0,6% thị phần.

Nguồn: nhandan.vn

Tin mới nhất

Tin Liên quan