fbpx

VCCI lo ngại có sự chồng lấn chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất nhập khẩu

11-04-2023

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa trả lời Công văn số 1164/BTC-TCHQ của Bộ Tài chính về đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo cơ chế một cửa quốc gia.

VCCI đề xuất bỏ quy định VCCI là một trong những chủ thể cung cấp, chia sẻ thông tin do tổ chức này quản lý qua Cổng thông tin một cửa quốc gia

Nguy cơ “chồng lấn về việc chuyển dữ liệu thông tin”

Theo đó, VCCI nêu rõ, năm 2022 đơn vị này đã có Công văn số 0506/PTM-PC vào tháng 4/2022 và Công văn số 2137/PTM-PC tháng 10/2022 góp ý Dự thảo, tuy nhiên đối chiếu với Dự thảo (phiên bản số 3), một số ý kiến của VCCI đã được tiếp thu, nhưng một số ý kiến vẫn chưa được tiếp thu, mặc dù đã có giải trình.

Văn bản của VCCI cho rằng, theo quy định tại khoản 19 Điều 9 Dự thảo, VCCI là một trong những chủ thể cung cấp, chia sẻ thông tin (do VCCI quản lý) qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Tuy nhiên, trong các Công văn góp ý trước, VCCI đã đề xuất bỏ quy định này vì các lý do: “Chồng lấn về việc chuyển dữ liệu thông tin”.

Cụ thể, VCCI cho rằng, Bộ Công Thương có tất cả các thông tin mà VCCI có trách nhiệm chia sẻ, cung cấp theo Phụ lục XIX, bởi vì theo yêu cầu quản lý, VCCI phải chuyển dữ liệu tới Bộ Công Thương – cơ quan quản lý về việc cấp C/O, cũng theo quy định tại khoản 5 Điều 30 Nghị định 31/2008/NĐ-CP “trường hợp các cơ quan có thẩm quyền trong nước và quốc tế yêu cầu cung cấp hồ sơ, chứng từ, thông tin và tài liệu đó, thương nhân, các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải báo cáo Bộ Công Thương trước khi cung cấp”.

Khoản 2 Điều 9 Dự thảo quy định, Bộ Công Thương cũng là chủ thể phải cung cấp và chia sẻ thông tin mà bộ quản lý qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Trong đó, có các thông tin tương tự như thông tin VCCI cung cấp, chia sẻ tại Phụ lục XIX. Mặt khác, Dự thảo cũng như Phụ lục II không quy định rõ, thông tin về việc cấp C/O mà Bộ Công Thương chia sẻ là những thông tin C/O được cấp bởi Bộ Công Thương hay là tất cả các thông tin C/O (bao gồm cả những thông tin của các tổ chức được ủy quyền cấp).

“Vì vậy, sẽ có trường hợp cùng một thông tin nhưng cả Bộ Công Thương và VCCI đều chia sẻ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Điều này sẽ là lãng phí về nguồn lực” – văn bản của VCCI nêu.

VCCI góp ý Dự thảo Nghị định kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo cơ chế một cửa quốc gia

Việc yêu cầu cơ quan chủ quản cung cấp sẽ đảm bảo tính đầy đủ của thông tin

Cũng theo VCCI, việc yêu cầu cơ quan chủ quản cung cấp sẽ đảm bảo tính đầy đủ của thông tin. Bởi theo quy định tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương có thể trực tiếp cấp C/O và/hoặc ủy quyền cho tổ chức khác cấp. Hiện nay, ngoài VCCI còn có một số đơn vị, tổ chức khác được ủy quyền cấp C/O. Các tổ chức được ủy quyền cũng phải có trách nhiệm kết nối và chia sẻ dữ liệu về việc cấp C/O cho Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương là cơ quan có đầy đủ dữ liệu về các thông tin liên quan đến việc cấp C/O. Mục đích chính của quy định kết nối, chia sẻ thông tin về hoạt động cấp C/O là có được tất cả các thông tin liên quan đến hoạt động này. Vì vậy, yêu cầu cơ quan quản lý chia sẻ và kết nối thông tin sẽ đảm bảo được tính thống nhất, đầy đủ của thông tin.

Tuy vậy, theo VCCI các góp ý trên chưa được tiếp thu và được giải trình là “Đề nghị giữ như dự thảo để rõ trách nhiệm đơn vị chủ quản cơ sở dữ liệu”. Trong trường hợp trên, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý các thông tin về việc cấp C/O là Bộ Công Thương, VCCI sẽ chịu trách nhiệm đối với Bộ Công Thương về việc chuyển dữ liệu thông tin về bộ quản lý.

“Còn việc chia sẻ thông tin qua Cổng thông tin một cửa quốc gia thì nên tập trung vào một đầu mối là bộ chủ quản sẽ phù hợp và giải quyết được những hạn chế nêu ở trên. Trong tài liệu gửi kèm đối với Dự thảo phiên bản số 3, không thấy Ban soạn thảo giải trình về nội dung VCCI trao đổi lại này” – VCCI nhấn mạnh và cho biết, trong trường hợp, Dự thảo vẫn giữ quy định trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét vấn đề: Để kết nối chia sẻ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, VCCI phải có chi phí, nguồn nhân lực để bảo đảm việc kết nối, chia sẻ thông tin.

Vì tại khoản 2 Điều 25 Dự thảo quy định kinh phí, nguồn nhân lực bảo đảm kết nối, chia sẻ thông tin thực hiện theo Điều 29, 30 Nghị định số 47/2020/NĐ-CP và quy định của pháp luật liên quan.

Tuy nhiên Điều 29, 30 Nghị định 47/2020/NĐ-CP chỉ quy định nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước đảm bảo cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan nhà nước ở địa phương. Như vậy, theo quy định này VCCI sẽ không được hỗ trợ kinh phí, nguồn nhân lực. Nếu không được hỗ trợ kinh phí cho hoạt động này, VCCI sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể thực hiện một cách có hiệu quả việc kết nối, chia sẻ thông tin này.

Do đó, để đảm bảo công bằng và tạo thuận lợi cho các chủ thể thực hiện chia sẻ về kinh phí, nguồn nhân lực đảm bảo kết nối, chia sẻ thông tin, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung VCCI vào đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ về kinh phí khi chia sẻ, kết nối thông tin theo cơ chế một cửa quốc gia.

Cần rõ ràng hơn thông tin sẽ chia sẻ

Liên quan đến các thông tin do tổ chức cung cấp, chia sẻ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, VCCI nhận định, so với Dự thảo trước, Dự thảo phiên bản 3 đã sửa đổi quy định về các thông tin do tổ chức, doanh nghiệp kết nối chia sẻ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Tuy nhiên, các thông tin mà tổ chức, cá nhân phải kết nối, chia sẻ tại Phụ lục XX lại không đủ rõ ràng.

“Ví dụ: “Thông tin doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng”, “thông tin từ doanh nghiệp xuất nhập khẩu” là những thông tin gì? Các thông tin chi tiết sẽ được quy định ở đâu?” – Văn bản của VCCI đặt câu hỏi.

Từ đó VCCI cho rằng, việc thiếu rõ ràng như vậy có thể khiến cho quy định này, hoặc các thông tin doanh nghiệp phải cung cấp là những thông tin đã có của các cơ quan quản lý nhà nước, ví dụ: Các thông tin định danh tổ chức, cá nhân; các thông tin về giấy phép, các thông tin về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;… Hoặc các thông tin thuộc về bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân.

Trong khi đó, đây là quy định sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể các thông tin mà các đối tượng này cần chia sẻ và cần đánh giá tác động đối với quy định này.

 

Nguồn: congthuong

Bài viết cùng chủ đề:

Hết tháng 9, mặt hàng nào cán mốc kim ngạch xuất nhập khẩu 100 tỷ USD?

Theo Tổng cục Hải quan, nhóm hàng đạt quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 100 tỷ USD đầu tiên là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 104,23 tỷ USD. Đây cũng là nhóm hàng xuất […]

Lượng hàng hóa qua Cửa khẩu Móng Cái tăng nhanh trong quý I/2023

Tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái tăng trở lại cho thấy những tín hiệu phục hồi rất khả quan sau đại dịch Covid-19.

Bộ Công Thương tiếp tục triển khai loạt giải pháp gỡ khó cho xuất nhập khẩu

Tiếp tục mở rộng và tận dụng cơ hội từ FTA; khai mở thêm các thị trường mới; triển khai mạnh các giải pháp xúc tiến thương mại… để gỡ khó cho xuất nhập khẩu. Xuất nhập khẩu suy giảm […]

Tin mới nhất

Tin Liên quan