fbpx

KHƠI THÔNG DÒNG CHẢY XUẤT KHẨU TRONG APEC

20-11-2017

Xuất khẩu của Việt Nam với các nền kinh tế thành viên APEC hiện chiếm khoảng 2/3 trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, khi trao đổi hàng hóa với APEC, cán cân thương mại của Việt Nam luôn thâm hụt. Để khơi thông dòng chảy xuất khẩu mạnh hơn vào thị trường này, các doanh nghiệp Việt cần tăng tính cạnh tranh hơn nữa trước áp lực ngày càng gia tăng.

Thị trường châu Á – Thái Bình Dương mang lại từ hợp tác APEC được ví như “mỏ vàng” của nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nếu các doanh nghiệp (DN) trong nước hiểu được “luật chơi” và khai thác hiệu quả.

Chẳng hạn với xuất khẩu dệt may, như chia sẻ của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), tăng trưởng xuất khẩu lĩnh vực này hầu hết là nhờ vào các thị trường chính yếu thuộc các nền kinh tế APEC, nhất là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Thị trường xuất khẩu chính yếu

APEC vẫn là đối tác nhập khẩu chủ lực của Việt Nam. Điển hình như hạt điều, trong ba thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam thì có hai thị trường thuộc APEC là Hoa Kỳ, Trung Quốc, chiếm thị phần lần lượt là 34,1%, 14,9%.

Tương tự là cà phê, chè, gạo, gỗ thành phẩm, tôm, cá tra… với các thị trường chủ yếu trong APEC như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Theo đánh giá từ Bộ Công Thương, cộng đồng DN Việt đã và đang tận dụng tương đối hiệu quả cơ hội tiếp cận và khai thác thị trường trong APEC, thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nền kinh tế thành viên không ngừng tăng lên theo từng năm.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong giai đoạn 2006-2016, trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang các nền kinh tế thành viên APEC tăng bình quân 15,9%/năm.

Riêng ba quý đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào APEC đạt 106,15 tỷ USD. Tuy vậy, cán cân thương mại của Việt Nam luôn thâm hụt. Năm 2016, nhập siêu hàng hóa vào Việt Nam từ APEC là 29,6 tỷ USD.

Bộ Công Thương cho biết có 7 nền kinh tế thành viên APEC hiện nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là: Hoa Kỳ (đứng đầu), Trung Quốc (thứ 2), Nhật Bản (thứ 3), Hàn Quốc (thứ 4), Hồng Kông – Trung Quốc (thứ 5), Malaysia (thứ 9) và Singapore (thứ 10).

Một số đối tác quan trọng trong đó được biết đến như những nhà xuất khẩu trung gian lớn, thực hiện tái xuất hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sang các quốc gia phát triển. Nhờ vậy, hàng hóa Việt Nam ngày càng có cơ hội tiếp cận các thị trường ngoài khu vực và đến tay người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Để thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh hơn trong khuôn khổ hợp tác APEC, mọi chú ý đang đổ dồn về Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đang diễn ra ở Đà Nẵng, đặc biệt là tương lai thực thi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Hoa Kỳ rút lui.

Liên quan đến hiệp định này, ngày 9/11, các bộ trưởng 11 thành viên TPP còn lại bước vào hội nghị TPP-11 cùng thảo luận về gói thỏa thuận cuối cùng do Nhật Bản soạn thảo sau một nghị trình căng thẳng trong Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC (AMM).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết các bên đã nỗ lực rất lớn trong thời gian qua nhằm giải quyết các vấn đề để đi đến đồng thuận cho gói thỏa thuận cuối cùng.

Nếu TPP-11 được hình thành, việc kết nối 11 nền kinh tế thành viên APEC với tổng GDP sẽ lên đến hơn 12.000 tỷ USD. Các DN xuất khẩu của Việt Nam, vốn đã có quãng thời gian được tuyên truyền khá nhiều về “luật chơi” trong TPP, cũng kỳ vọng hiệp định này được sớm thực thi để hàng hoá của họ đến các nền kinh tế trong APEC được dễ dàng, thuận lợi hơn.

Gặp khó khi cạnh tranh

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, bên cạnh những lợi ích và cơ hội mà tiến trình hợp tác APEC mang lại, về quan hệ song phương, các DN Việt Nam cũng phải đối mặt với một số khó khăn và thách thức không nhỏ.

Các thành viên trong khu vực, ngoài việc hợp tác tích cực, còn có sự cạnh tranh khá gay gắt trong quan hệ thương mại và đầu tư. Trong khi đó, Việt Nam có khoảng cách khá xa về trình độ phát triển so với các thành viên, nên gặp khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế và trong nước.

Thực hiện các cam kết về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khuôn khổ APEC, đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ gặp phải không ít trở ngại từ áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng từ phía các tập đoàn, DN trong và ngoài khu vực APEC.

Thực tế cho thấy DN Việt Nam đa số là các DN quy mô nhỏ và vừa với trình độ công nghệ phát triển còn hạn chế, phương thức quản lý chưa phù hợp, chiến lược kinh doanh thiếu chủ động.

Trái lại, sức cạnh tranh mạnh mẽ của các đối thủ đến từ những nền kinh tế thành viên APEC vốn có trình độ phát triển khoa học – công nghệ cao, tốc độ tăng trưởng nhanh là điều không thể phủ nhận.

Đặc biệt trong các lĩnh vực xuất khẩu các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, giới chuyên gia cho rằng sự cạnh tranh tiếp cận thị trường của các DN trong APEC có tiềm lực kinh tế mạnh, đe dọa khả năng tồn tại và phát triển của các DN xuất khẩu của Việt Nam.

Cần phải thấy rõ, bản thân các DN trong nước còn thiếu tính gắn kết chủ động và chặt chẽ với nhau, trong khi các hiệp hội chưa nâng cao sức mạnh và vai trò dẫn dắt trước áp lực cạnh tranh từ các đối thủ bên ngoài.

Hơn nữa, cơ cấu kinh tế và thương mại của hầu hết các nước thành viên APEC đều coi trọng việc đẩy mạnh xuất khẩu và chiếm lĩnh các thị trường nước ngoài nên các DN xuất khẩu Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn lớn trong việc mở rộng và bảo vệ thị phần của mình.

Cho nên, nếu muốn khơi thông mạnh hơn nữa cho dòng chảy xuất khẩu hàng hoá Việt Nam trong APEC thì các DN Việt còn rất nhiều việc phải làm!

Nguồn: Tạp chí Tài chính/Thoibaokinhdoanh XUẤT NHẬP KHẨU:: Source: Finance Magazine / Thoibaokinhdoanh

 

Tin mới nhất

Tin Liên quan